Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 1: Gia nhập xóm ve chai
Suốt hai tháng ròng rã, phóng viên Tuổi Trẻ đã trực tiếp đi lượm rác và sống cùng xóm trọ nghèo với những mảnh đời ve chai đang ngày ngày còng lưng nhặt mót miếng ăn từ những thứ người ta đổ bỏ.
Mồ hôi đẫm lưng, nước mắt loang lổ trên gương mặt cáu bẩn, thậm chí tay chân tóe máu, nhưng cũng có cả nụ cười hạnh phúc đơn sơ của những mảnh đời ve chai mà chỉ thật sự ăn ở cùng và làm cùng với họ mới thấu cảm được... (Quốc Việt)
Thấy điều kiện sống tồi tàn, mấy đứa con cứ năn nỉ anh chị chuyển qua khu tụi nó sống. Chị cương quyết không đi vì nghề này đi sớm về khuya lại dơ bẩn, luộm thuộm sao người ta cho ở được.
TRẦN THỊ OANH (47 tuổi, quê huyện Đắk Pơ, Gia Lai, người ở trọ)
Xóm trọ nghèo khó, tả tơi là nơi tôi đã khăn gói về sống gần hai tháng để đồng cảm với cuộc sống của những mảnh đời ve chai. Bên những tòa chung cư cao tầng hiện đại, sang trọng là những xóm trọ tồi tàn dành cho dân lao động nghèo.
Ao tù ngập rác và cầu tõm miền Tây
Từ Đồng Tháp, tôi mang theo vỏn vẹn một chiếc túi đựng ít quần áo để lên TP.HCM nhập vai "đời ve chai" thật sự với hai yêu cầu cùng ăn ở, làm việc mấy tháng với họ. Con hẻm nhỏ tôi tìm đến có cái tên khá lãng mạn là hẻm Hoa Sữa ở đường Phạm Hùng nối dài (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh).
Đập ngay vào mắt tôi là đầu hẻm đầy quán nhậu với loa kẹo kéo inh ỏi như chửi nhau mỗi tối. Hai bên đường dẫn vào hẻm, những bãi lau sậy cao phủ kín đầu người y như cảnh Đồng Tháp Mười giữa Sài Gòn.
Những đống ve chai, những chiếc ghế sofa rách rưới, bẩn thỉu nằm ngổn ngang không ai thu dọn. Lác đác vài vựa ve chai nhỏ mua nilông, đồ nhựa trên con đường nhỏ dẫn vào xóm ve chai. Vài gương mặt lộ rõ vẻ ngáp ngủ, mệt mỏi đang phân loại ve chai để chở ra vựa bán.
"Thuê phòng trọ à? Dân đâu mà lại đây thuê phòng? Bà Sáu lên phường có công chuyện rồi, chờ tí bả về liền" - một phụ nữ đứng tuổi trả lời khi tôi nói muốn thuê phòng trọ. Khoảng một giờ sau, bà Sáu - chủ dãy nhà trọ - trở về với đống giấy tờ trên tay. Vẻ bận bịu, bà chỉ liếc tôi rồi nhờ con gái dẫn đi xem phòng.
Dãy trọ gần 20 phòng tối tăm hiện ra trước mắt tôi. Quần áo được phơi phóng ngay trước cửa phòng. Những chiếc xe đạp dễ nhận biết của người nhặt ve chai dựng la liệt trước khoảng sân trọ. Mùi ẩm mốc quần áo, rác rưởi, mùi hôi thối nồng nặc của những ao tù nước xung quanh và đám chuột chạy rào rào khiến tôi "choáng" về nơi mà mình sẽ sống những tháng tới.
"Một triệu, điện nước tính riêng" - con gái bà Sáu nói gọn lỏn. Đó là căn phòng cũ mốc có gác, diện tích sàn chưa đến 10m2. Ngoài tường ximăng cao khoảng 2m thì phía trên được vá chằng vá đụp bằng những tấm bạt nilông và những tấm tôn gỉ sét. Nhà tắm có một thùng chứa nước nhỏ và không có nhà vệ sinh riêng trong phòng.
Sau tôi mới biết nhà vệ sinh chung của xóm trọ là mấy cái cầu tõm bên trên ao tù hôi thối gần dãy trọ. Tôi đã ở miền Tây hơn 6 năm, không lạ gì cầu cá tra, nhưng cái kiểu ngồi trên những nhà xí mà bên dưới ngập nước và rác rưới bốc mùi thì cảm xúc thật khó diễn tả.
Tôi nhận phòng và bắt đầu lân la làm quen cư dân xóm trọ nghèo. Chị Bảy Mung (quê An Giang) ở cùng chồng con làm thợ xây cho mấy công trình gần đó thấy "cư dân mới" liền bắt chuyện.
Tôi lấy lý do chán đời, bất mãn chuyện gia đình muốn lên TP.HCM tìm việc để khuây khỏa thời gian khi chị hỏi: "Nhìn cũng sáng sủa mà sao vào đây ở vậy cưng, có việc gì chưa?".
Nghe tôi chưa có việc làm, chị vui giới thiệu ngay: "Lương phụ hồ 340.000 đồng một ngày, được chủ cho ở miễn phí luôn. Mần không, mai đi với tui". Lấy lý do chưa bao giờ làm phụ hồ, tôi cảm ơn chị rồi thoái thác.
Chuột lúc nhúc khắp nơi
Xóm tôi ở trọ có khoảng 50 phòng với hai chủ. Ngoài dãy trọ bà Sáu là nơi tôi đang ở, còn có thêm dãy khác của ông Tư Cá. Dân xóm trọ chủ yếu từ tỉnh Vĩnh Phúc làm nghề nhặt ve chai, sửa đồ món, đấm bóp giác hơi và dân miền Tây làm thợ xây, bốc vác, sửa cống...
Xung quanh xóm trọ là những vựa chứa xốp, chai nhựa, tủ lạnh, máy giặt hư hỏng... nói chung đủ mọi thứ hầm bà lằng được gọi là ve chai.
Những ao tù đọng nước với rác nổi lềnh bềnh và bốc mùi hôi thối nồng nặc sau mỗi trận mưa lớn cũng là "đặc sản" dễ nhận diện nơi đây. Nhìn những người với tay chân chi chít vết đỏ do muỗi cắn, tôi mua thuốc xịt côn trùng để phòng sốt xuất huyết.
"Cách đây khoảng một tuần, mưa lớn đầu mùa khiến cá trong ao ngỏm sạch. Mấy con cá trắng như cá dồ, cá mè vinh nổi lềnh bềnh, hôi thối cả tuần mới hết, ghê lắm. Nước này chỉ có cá lau kiếng, cá trê mới sống được thôi" - người hàng xóm kể với tôi về cái ao tù cạnh phòng trọ.
Hôm đầu tiên tôi xịt thuốc côn trùng vào phòng, gián và muỗi chết kín nền gạch trong phòng. Điện, nước nơi tôi ở không hề "bình dân", giá điện 5.500 đồng/kWh, còn nước chia làm hai loại là nước sạch và nước bẩn theo cách nói nôm na của dân xóm trọ nơi tôi ở. Nước sạch tức nước máy giá 25.000 đồng/m3, còn nước bẩn là nước giếng giá 12.000 đồng/m3.
Tôi không có sự lựa chọn khi phòng tôi chỉ có thể sử dụng nước giếng. Chỉ vài hộ dân nơi tôi ở sử dụng nước sạch vào mục đích nấu ăn, còn lại đều sử dụng nước giếng tắm giặt, vệ sinh... Nước giếng có vị lợ và mùi cũng không dễ chịu.
"Hổng nấu nướng gì thì sử dụng nước giếng được rồi. Bên tui nấu ăn nên phải dùng nước sạch, nước giếng nấu không ăn được đâu" - chị Oanh, người trọ phòng bên, nói với tôi.
Tôi tắm giặt tại phòng và phải tranh thủ mở van hứng nước. Dân trọ không được sử dụng nước tùy thích, thường sẽ có hai khung giờ chủ nhà mở nước là từ 10 giờ đến 12 giờ trưa và từ 4 giờ đến 5 giờ chiều.
Không có mặt ở nhà thì coi như không có nước tắm giặt, phải ra nhà chủ năn nỉ mở nước. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp người hứng nước mưa giặt đồ để tiết kiệm tiền nước và chỉ mở một bóng đèn con con lập lòe mỗi tối.
Tôi co ro nằm ngủ trên gác, có thể nghe rõ tiếng mưa rơi lộp độp và cảm nhận cái nóng hầm hập những ngày nắng đổ lửa. Tiếng chuột kêu chí chóe trên bạt che mái nhà mỗi đêm. Tôi gần như thức trắng mấy đêm đầu ở xóm trọ. Có những đêm chỉ vừa mới chợp mắt, tôi đã giật mình vì chuột bò lên cắn tay chân mình, rồi chúng chạy lúc nhúc khắp nhà...
Tiếng cọc cạch đêm khuya
Tiếng cọc cạch đêm khuya ban đầu tôi cứ tưởng lũ chuột phá trên mái tôn, nhưng sau tôi mới biết đó là tiếng dẫn xe đạp về của những người làm nghề nhặt ve chai đêm, đấm bóp giác hơi. Họ làm đêm ngủ ngày, rời phòng trọ lúc 6, 7 giờ tối và chỉ trở về lúc 2, 3 giờ sáng.
Ở trọ tại đây, mỗi sáng tôi còn bị đánh thức sớm bởi mùi cơm chiên, âm thanh bếp núc của gia đình hàng xóm. Họ tiết kiệm, không dám ăn hàng quán. Nhiều người còn tranh thủ buổi tối giăng lưới bắt cá phụ thêm bữa ăn gia đình. Với người lao động nghèo, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó, bởi dịch COVID-19 khiến cuộc sống họ đã nghèo khó càng khó khăn hơn.
--------------------------------
Tôi như "dân ngoại đạo" trước muôn màu muôn vẻ của thế giới ve chai. Chỉ riêng việc biết cái nào nhặt được, cái nào không cùng với việc phân loại ve chai đã khiến tôi mù đầu. Thấy vậy mới thương các cụ già, em bé đang còng lưng bới rác, tìm miếng ăn.
Kỳ tới: Ve chai "học việc"
Post a Comment