Đội quân bới rác 'chết mòn' vì Covid-19
INDONESIADù trời mưa như trút, họ vẫn ra ngoài, tỉ mỉ nhặt nhạnh mọi thứ trên núi rác thối Bantar Gebang cao như tòa nhà 15 tầng ở Tây Java.
Không găng tay, không khẩu trang, những người nhặt rác xỏ đôi ủng nhựa rồi leo lên núi rác. Họ sử dụng một chiếc móc sắt dài được gọi là "ganco" để bới và nhặt rác rồi vứt qua đầu vào một chiếc giỏ lớn đeo sau lưng. Một số thậm chí bới rác bằng tay không.
Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khắp nơi, nhưng đó chỉ là một trong rất nhiều mối nguy hiểm rình rập họ tại bãi rác này. Trong khi lục tung đống rác để tìm kiếm những mẩu gỗ, bìa các tông, bạt nhựa hay bất kỳ thứ gì khác có thể tái chế, họ phải chú ý không đến quá gần các máy xúc rác ở phía trên. Sạt lở núi rác luôn là mối nguy hiểm thường trực ở đây.
Người đàn ông đeo giỏ đi nhặt rác giữa trời mưa ở bãi rác Bantar Gebang, Bekasi, Tây Java, tháng này. Ảnh: NYTimes.
Đây là Bantar Gebang, một trong những bãi rác lớn nhất thế giới có diện tích lớn hơn 200 sân bóng đá ở Bekasi, Tây Java, cách Jakarta khoảng 20 km. Nơi đây có thể tiếp nhận khoảng 7.000 tấn rác mỗi ngày từ thủ đô Indonesia.
Quá trình xử lý tất cả đống rác đó diễn ra trong 24 giờ. Vào ngày bình thường, một nghìn xe tải màu cam, chở đầy rác và ruồi nhặng bay vo ve xung quanh, xếp hàng chờ đổ rác. Sau đó, giống như một dây chuyền cơ khí, những chiếc máy xúc khổng lồ sẽ đưa số rác thải này lên đỉnh "núi" cao gần 46 m.
Hàng chục ngôi làng tạm bợ, nghèo khổ đã mọc lên xung quanh núi rác Bantar Gebang. Giới chức địa phương ước tính khoảng 6.000 cư dân sống trong khu vực này và kiếm sống nhờ nghề bới rác. Nhưng theo dân địa phương, con số này có thể lên tới 20.000 người.
Trong một số gia đình, nhiều đứa trẻ mới 5 tuổi đã phải cùng bố mẹ đi bới rác mỗi ngày, theo Asep Gunawan, người đứng đầu khu vực Bantar Gebang.
"Hàng ngày, những đứa trẻ tới trường và học kinh Koran. Sau khi tan học, chúng sẽ giúp bố mẹ nhặt rác. Chúng không có lựa chọn nào khác", Asep nói.
Những người nhặt rác, ở Indonesia được gọi là "pemulung", thường kiếm được 2-10 USD mỗi ngày nhờ việc nhặt nhạnh rác thải nhựa, kim loại, gỗ hoặc đồ điện tử. Thậm chí xương động vật cũng là món đồ có giá trị, thường được sử dụng làm đồ trang sức hoặc dùng để sản xuất gạch lát sàn, bêtông.
Một số người đã dựng những khu lều tạm bằng gỗ ép để bán đồ ăn nhẹ, thức uống và thuốc lá cho những người làm việc ở đây.
Bình thường, hàng trăm người đổ tới bãi rác mỗi ngày. Nhưng tác động của nền kinh tế toàn cầu suy thoái vì Covid-19 đã lan tới đây, khiến cuộc sống của người dân càng thêm khốn khổ.
Hầu hết công ty tái chế, nơi thu mua phế thải từ núi rác, đã bị đóng cửa nên ngày càng có ít người làm việc ở đây, bởi họ không có nơi để bán những thứ đã thu gom, theo Resa Boenard, đồng sáng lập Hạt giống Bantar Gebang, tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ cộng đồng này.
Quy định cách biệt cộng đồng của chính quyền tỉnh có hiệu lực từ tháng này ở Bantar Gebang, khiến ngày càng nhiều người nhặt rác ở đây không thể làm việc.
"Từ khi Covid-19 lây lan khắp thế giới, nó đã khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn nhiều. Hầu hết họ đều phải ở nhà, bởi không tìm được nơi bán đồ phế thải nữa", Resa cho hay.
Indonesia đã ghi nhận hơn 9.000 ca nhiễm và gần 800 ca tử vong vì Covid-19. Thủ đô Jakarta, với khoảng 11 triệu dân, là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chiếm khoảng một nửa số ca nhiễm được báo cáo. nCoV cũng lan sang các khu vực lân cận thủ đô, trong đó có Bekasi, nơi có núi rác Bantar Gebang.
Giới chức địa phương hiện chưa ghi nhận ca nhiễm nào trong cộng đồng sống gần bãi rác này, nhưng chưa có ai trong số họ được xét nghiệm nCoV, theo ông Asep. Những người nhặt rác cũng không đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ chính quyền, bởi họ chưa đăng ký cư trú.
Một niềm tin khá phổ biến ở Indonesia rằng việc sống trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh đã giúp người dân có khả năng miễn dịch với nCoV. "Người dân ở Bantar Gebang thực sự không sợ nCoV. Tôi không thấy họ thay đổi thói quen hàng ngày của mình", Resa, 34 tuổi, cho biết.
Khi cùng gia đình chuyển tới khu vực này sinh sống, Resa mới 6 tuổi. Bố mẹ cô đã mua một mảnh ruộng, nhưng nó cuối cùng đã bị vùi lấp khi bãi rác ngày một phình to. Khi đi học, bạn bè hay gọi cô là "Công chúa bãi rác" bởi quần áo của cô luôn bị ám mùi từ đó. Cô đã bị gán với biệt danh này.
Nhưng nhờ kết quả học tập xuất sắc và suất học bổng do một gia đình Thổ Nhĩ Kỳ giúp đỡ, Resa đã có thể theo đuổi giấc mơ đại học. Cô là một trong số ít người có cơ hội thoát khỏi bãi rác Bantar Gebang để có được cuộc sống tốt hơn, nhưng Resa quyết định về để giúp đỡ người dân ở đây, đặc biệt là những đứa trẻ.
Trong khi kinh tế suy thoái vì Covid-19 như hiện nay, tổ chức Hạt giống Bantar Gebang của cô đã cung cấp thực phẩm cho 600 gia đình mỗi ngày và đang vận động tìm thêm nguồn quyên góp khác.
"Mọi người ở đây không cần khẩu trang hay dung dịch rửa tay. Cái họ cần là thực phẩm để nuôi sống gia đình", cô nói.
Juni Romamti Ezer Laumakani, 40 tuổi, một người kinh doanh xà phòng, cũng là một tình nguyện viên cho cộng đồng dân cư sống gần bãi rác Bantar Gebang. Trong 15 năm qua, anh thường tới đây dạy đánh guitar miễn phí cho những đứa trẻ.
Covid-19 đã khiến anh phải dừng các buổi dạy đàn từ một tháng trước, nhưng Juni vẫn tới ngôi làng thường xuyên để thăm hỏi các gia đình và động viên họ.
"Thậm chí có thu gom được nhiều phế liệu, họ cũng không có nơi nào để bán. Vì vậy, những thứ đó giờ không có giá trị gì. Điều đó khiến họ thấy áp lực, bởi họ không có thu nhập nhưng vẫn phải trang trải cuộc sống hàng ngày", Juni nói.
Bãi rác Bantar Gebang đã hoạt động hơn 30 năm và người dân xung quanh từ lâu luôn đã phàn nàn về mùi hôi thối bốc lên và các vấn đề về da liễu mà họ gặp phải.
"Nguồn nước ở khu vực bãi rác đã bị nhiễm bẩn và họ không thể sử dụng nó được nữa. Tất cả người dân đều thấy rất thất vọng", ông Asep cho hay.
Hầu hết người di cư tới Banter Gebang đều là nông dân nghèo đói vì mất mùa. Một số người đã ở đây 10 năm hoặc lâu hơn thế. "Khi mọi người tuyệt vọng vì không tìm được việc làm, họ sẽ tới đây", Resa cho hay.
Mặc dù số người nhặt rác còn rất ít, những chiếc xe tải chở rác vẫn tới đây mỗi ngày. Nhiều món đồ có thể tái chế giờ đều bị chôn vùi dưới những lớp rác mới.
Resa hy vọng người dân Jakarta có thể vứt rác ít hơn. "Chúng tôi muốn nói với những người sống ở Jakarta rằng 'xin hãy giảm lượng rác mà bạn thải ra mỗi ngày'. Chúng tôi không thể xử lý bởi không thể bán chúng được nữa. Nó sẽ khiến cho núi rác này ngày một cao hơn", Resa nói.
Post a Comment