Header

Việt Nam nghiên cứu xuất trả phế liệu nhập khẩu

Bộ Tài nguyên Môi trường được giao nghiên cứu, đề xuất giải pháp xuất trả phế liệu nhựa nhập khẩu theo hướng như Malaysia, Philippines đã áp dụng.
Ngày 26/9, theo văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan về việc giải quyết những bất cập trong quản lý phế liệu nhập khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay đã yêu cầu Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét nội dung trên; báo cáo Thủ tướng trong tháng 9/2019.
"Hiện nay, Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và Bộ Giao thông Vận tải rà soát các quy định pháp luật và công ước quốc tế có liên quan để đề xuất phương án tái xuất toàn bộ lô hàng phế liệu không đáp ứng yêu cầu", văn bản nêu.
Nhiều container phế liệu bị bỏ ở cảng lâu ngày. Ảnh: N.M
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến tháng 6/2019, số container phế liệu tồn đọng trên 90 ngày ở các cảng Việt Nam là 4.474 trong tổng số 9.211 container phế liệu đang được lưu giữ. Bộ Tài chính đã xây dựng phương án xử lý các lô hàng tồn đọng theo 4 bước, trong đó đối với lô hàng phế liệu không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, Hải quan có văn bản thông báo yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong 30 ngày.
Quá 30 ngày kể từ ngày thông báo, các lô hàng không được vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam sẽ được xử lý bằng tiêu hủy. 
Theo Reuters, Yeo Bee Yin, Bộ trưởng Năng lượng, Công nghệ, Khoa học, Biến đổi khí hậu và Môi trường Malaysia hôm 21/5 thông báo sẽ trả lại phế liệu nhựa không thể tái chế cho các nước phát triển. "Các nước phát triển phải có trách nhiệm với những thứ họ đã chuyển đi", bà nói.

No comments

Powered by Blogger.