Header

Hà Nội vận động người dân không chặn xe vào bãi rác Nam Sơn

Huyện Sóc Sơn được giao đẩy nhanh việc bồi thường cho người dân và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chặn xe chở rác.

Ngày 5/7, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 m của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn).

Theo đó, lãnh đạo thành phố đã thống nhất các chính sách bồi thường cụ thể, đồng thời yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn đẩy nhanh công việc liên quan; phấn đấu từ nay đến cuối năm 2019 hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của dự án.

UBND huyện Sóc Sơn cũng được giao vận động, thông tin cụ thể đến các hộ dân về kế hoạch phê duyệt phương án bồi thường, kế hoạch chi trả tiền trong thời gian tới để mọi người biết và chấp hành; không tiếp tục có các hành vi trái phép chặn xe vận chuyển rác.

"Trường hợp đã vận động nhưng các hộ dân vẫn cố tình vi phạm, UBND huyện Sóc Sơn có các biện pháp hành chính để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật", lãnh đạo thành phố nêu rõ.


Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Giang Huy

Tại cuộc họp, đề cập đến chính sách bồi thường, hỗ trợ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở (nhưng không được công nhận là đất ở), lãnh đạo thành phố cho phép UBND huyện Sóc Sơn ngoài việc bồi thường theo giá đất của loại đất tại vị trí theo đúng quy định, còn được lập, phê duyệt bổ sung chính sách hỗ trợ với tổng mức bồi thường không quá 500.000 đồng mỗi m2.

Tổng diện tích hỗ trợ mỗi hộ không vượt quá 2 ha theo quy định tại điều 129, Luật Đất đai 2013.

Trường hợp các hộ đã được UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở từ 400 m2 trở lên, lãnh đạo thành phố yêu cầu huyện lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.

Với các hộ có phần diện tích đất vượt hạn mức, thanh tra Hà Nội sẽ cùng UBND huyện Sóc Sơn kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ, quy trình cấp giấy chứng nhận trước đây; nếu hồ sơ đúng quy định thì chi trả bồi thường cho người dân; việc này phải hoàn thành trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc.


Người dân dựng lán chặn xe rác ngày 2/7. Ảnh: Gia Chính

Với khu tái định cho người dân xã Hồng Kỳ (chỉ cách bãi rác khoảng 1.300 m), trường hợp các hộ không đồng tình với vị trí này (do quá gần bãi rác), lãnh đạo thành phố cho phép UBND huyện Sóc Sơn sử dụng khu tái định cư thôn Thanh Hà (xã Nam Sơn, cách bãi rác 7 km) để bố trí cho các hộ phải di chuyển chỗ ở.

Trường hợp các hộ có nhu cầu nhận tiền để tự lo tái định cư, UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt mức hỗ trợ gần 2 triệu đồng mỗi m2.

Với các hộ đông nhân khẩu, nhiều cặp vợ chồng đang cùng ăn ở, sinh sống trên cùng một thửa đất bị thu hồi nhưng chưa làm thủ tục tách hộ, UBND huyện Sóc Sơn sẽ lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho từng gia đình; trên cơ sở hạn mức công nhận đất ở của từng hộ để phê duyệt phương án theo quy định.


Nhiều khu vực nội thành Hà Nội ùn ứ rác vì bãi rác Nam Sơn bị chặn xe. Ảnh: Tất Định

Trước đó tối 1/7, nhiều người dân ở xã Nam Sơn và Hồng Kỳ đã chặn xe rác vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, vì cho rằng thành phố và huyện chậm trễ thực hiện dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500 m) của bãi rác này.

Theo ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn, "nút thắt lớn nhất của dự án di dân là nhiều hộ chưa đồng tình với chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng đất ở".

Ngoài ra, nhiều hộ dân ở xã Hồng Kỳ không đồng ý với phương án bố trí tái định cư của huyện, vì nơi ở mới của họ chỉ cách bãi rác 1.300 m.

Đến sáng nay 5/7, một số người dân vẫn tiếp tục bám trụ chốt chặn đường vào bãi rác. Chiều cùng ngày, huyện Sóc Sơn đã họp với các xã liên quan để phổ biến chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của thành phố.

Diễn biến nêu trên khiến những ngày qua rác thải ùn ứ nhiều nơi trên đường phố Hà Nội.

Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) được xây dựng từ năm 1999, có quy mô lớn nhất Hà Nội với hơn 157 ha. Giữa tháng 1/2019, nhiều người dân địa phương đã dựng lều bạt để ngăn xe vào Khu liên hợp. Tình trạng này kéo dài 4 ngày khiến nhiều tuyến đường ở 12 quận Hà Nội ngập rác.

Tối 13/1, thành phố đã gửi văn bản đến các đơn vị liên quan về việc giải phóng mặt bằng theo chỉ giới quy hoạch bán kính 500 m quanh Khu liên hợp. Văn bản nêu, trước ngày 30/3, huyện sẽ khảo sát số lượng, lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân, đảm bảo tiến độ trong quý II/2019.

Trong bán kính 500 m tính từ hàng rào bãi rác Nam Sơn có hơn 2.000 hộ dân, tổng diện tích đất khoảng 396 ha, trong đó có đất nông nghiệp và đất nhà ở.

Tất Định - Võ Hải
VNEx

No comments

Powered by Blogger.