Header

Những người dân 20 năm sống chung với bãi rác lớn nhất Hà Nội

6 giờ sáng, bà Ngô Thị Lương (63 tuổi, thôn 2, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) mệt mỏi mở cửa kính. Ngày mới bắt đầu với mùi hôi thối xộc thẳng vào trong nhà.

Gia đình bà Lương cách bãi rác Nam Sơn khoảng 100 m, cạnh đó là con đường nhựa loang lổ vệt nước đen, vôi bột khử trùng. Từ tối muộn đến 4 giờ sáng hàng ngày, bà chứng kiến cả trăm lượt xe chở rác rầm rập ra vào bãi.

Giống như nhiều hộ trong thôn, nhà bà Lương lắp toàn bộ cửa kính kín mít. "Sống ở đây, đến việc thở thôi cũng thấy khó nhọc", bà nói bằng giọng nghẹt mũi của người bị viêm xoang lâu năm. Cả năm người trong gia đình bà đều mắc các bệnh về đường hô hấp.

 Bà Đinh Thị Cảnh (62 tuổi) ở xã Hồng Kỳ. Ảnh: Tất Định

Gần nhà bà Lương là gia đình anh Vũ Văn Hùng. Lâu nay vào dịp giỗ chạp, anh ít khi mời khách đến ăn cơm vì nhà quá nhiều ruồi nhặng. "Phun thuốc vài ngày lại bu đen nhà, tôi mua 100 vỉ bẫy dùng hai ngày đã hết. Gia đình tôi đã quen cảnh mắc màn ăn cơm, ruồi nhặng vo ve, còn khách ở xa đến chắc không chịu nổi", anh Hùng chia sẻ.

Thửa ruộng của bà Đinh Thị Cảnh (62 tuổi) gần suối Lai Sơn đã bỏ hoang từ lâu. Hình ảnh con suối trong veo, đưa nước về tưới đồng ruộng trong ký ức của người dân thôn 2, giờ thành dòng nước đỏ quạch.


Nước từ bãi rác chảy ra suối đục ngầu, bốc mùi hôi thối. Ảnh: Tất Định.


"Đến cây khoai nước còn chết thì không trồng cây gì được", bà Cảnh nói và cho hay nhiều người dân trong thôn đã bỏ nghề nông nghiệp để đi làm thuê, nhặt phế liệu trong bãi rác.

Theo bà Cảnh, hiện nguồn nước canh tác duy nhất của người dân trong xóm nhỏ lấy từ hồ chứa nước mưa, mùa này đã cạn gần hết.

Gia đình bà Lương, anh Hùng, bà Cảnh đã sống ở xã Hồng Kỳ từ nhiều đời. Họ chứng kiến đổi thay của làng quê từ những chuyến xe rác đầu tiên chôn lấp vào năm 1999, khi đó diện tích Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn là 83 ha. Đến năm 2011, bãi rác được mở rộng thêm 73 ha với 8 ô chôn lấp rác.

Hiện mỗi ngày có khoảng 4.500 tấn rác sinh hoạt từ nội thành đưa về đây chôn lấp. Qua hai mươi năm, triền đồi xanh mướt đã trở thành khu chứa rác khổng lồ. "Không còn ai muốn ở lại mảnh đất này nữa", bà Cảnh nói.

Giữa tháng 1/2019, khuôn mặt nhăn nhó của nhiều người dân quanh năm ngửi mùi bãi rác đã tươi vui hơn khi nhận được thông tin chính thức về dự án di dời. Theo đó, dự kiến hơn 1.100 hộ dân thuộc 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) ở trong bán kính 500 m xung quanh bãi rác sẽ được tái định cư hoặc đền bù đất ở, tài sản... theo quy định.

Người dân các thôn họp nhau để làm thủ tục, họ nói nhiều hơn về kế hoạch tương lai thay vì than phiền hiện tại. Nhiều người lớn tuổi mong chuyển về khu tái định cư để gần hàng xóm cũ. Một vài người lo lắng không biết số tiền đền bù liệu có đủ mua đất dựng nhà nơi khác.

Mấy ngày nay, ngôi nhà ông Vũ Tiến Lực luôn tấp nập người qua lại để nhờ ông hướng dẫn kê khai tài sản. Ông Lực làm trưởng thôn Xuân Thịnh từ năm 2000. Qua hai đợt xây dựng bãi rác vào năm 1999 và 2012, nay cả thôn còn 78 hộ dân với 254 nhân khẩu. Dự kiến sắp tới người dân Xuân Thịnh sẽ được di dời hết khỏi khu vực gần bãi rác.


Người dân đến nhà trưởng thôn để nhờ kê khai tài sản. Ảnh: Gia Chính

Trong ngôi nhà cấp bốn lụp xụp, ông Lực xếp lại xấp tài liệu nặng gần một kg, soạn ra đơn từ, kiến nghị của người dân về bãi rác trong nhiều năm. "Hiện đã có chủ trương chính thức nên có thể những giấy tờ này sẽ không cần thiết giữ nữa, tôi sẽ đốt bỏ chúng đi", ông Lực nói.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn cho biết, huyện đã đo đạc diện tích 396 ha của các hộ dân trong bán kính 500 m tính từ hàng rào của bãi rác Nam Sơn. Ba khu tái định cư đang được xây dựng trên quỹ đất của ba xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ.

Dự kiến trước ngày 30/3, huyện Sóc Sơn sẽ hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định. Đến quý II/2019, cơ quan chức năng trả tiền đền bù cho người dân. Kinh phí bước đầu được đề xuất để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho hơn 2.000 hộ dân (trong đó gần 1.000 hộ có đất nông nghiệp gần bãi rác) là khoảng 3.400 tỷ đồng.

Trước đó chiều 10/1, nhiều người dân hai xã Bắc Sơn, Hồng Kỳ dựng lều bạt để ngăn xe chở rác vào khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Tình trạng này kéo dài đến chiều 14/1 khiến nhiều tuyến đường ở 12 quận Hà Nội ngập rác.

Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) được xây dựng từ năm 1999, nằm trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ của huyện Sóc Sơn, có quy mô hơn 157 ha chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn I gồm 10 ô chôn lấp với diện tích trên 83 ha, hiện đã đầy. Giai đoạn II, diện tích hơn 73 ha gồm 8 ô chôn lấp. Dự kiến đến năm 2021 sẽ đóng bãi toàn bộ khu chôn lấp rác.

Tất Định
nguồn VNEx

No comments

Powered by Blogger.