Khai mạc triển lãm “Những không gian đồng nát năng động ở Hà Nội”
Ngày 03/11/2018 tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã diễn ra triển lãm “Những không gian đồng nát năng động ở Hà Nội”.Tham dự triển lãm có đại diện Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Phát triển Cộng hòa Pháp IRD, cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam PRX, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
Lễ cắt băng khai mạc triển lãm
Hoạt động thu gom rác tái chế ở Hà Nội thu hút một lực lượng lớn lao động cả chính thức và phi chính thức. Mỗi ngày có hơn 10.000 người thu mua và nhặt rác quanh các đường phố của Thủ đô, sau đó bán lại cho những người thu mua phế liệu tại hàng trăm bãi phế liệu nằm rải rác khắp Hà Nội. Mặc dù chưa được nhà nước công nhận, mạng lưới này thu thập và tái chể hơn 20% rác thải của thành phố trong quá trình phát triền đô thị. Mạng lưới thu gom, phân loại, mua bán rác tái chế này hết sức độc đáo và là duy nhất vì nó vận hành linh hoạt dựa trên các hoạt động thời vụ của người dân, dựa trên khả năng lưu trú, tiếp cận đất đai đa dạng tại tất cả các khu vực trong đô thị. Điểm đặc biệt thứ hai là mạng lưới này gắn kết trong chuỗi vận hành với hoạt động của các làng nghề tái chế kim loại, giấy và nhựa trong lưu vực châu thổ sông Hồng.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại triển lãm
Sau hơn 2 năm nghiên cứu về vấn đề thu gom và tái chế rác thải tại Hà Nội, nhóm nghiên cứu JEAI RECYCURBS Viet đã thu hút được sự tham gia của gần 400 sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội ở các bậc học (Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ) và nhiều sinh viên Pháp theo học bậc Thạc sĩ. Dựa trên kết quả của các cuộc điều tra được tiến hành ở tất cả các xã, phường của Hà Nội, nhóm nghiên cứu đã định vị được hơn 800 cơ sở thu mua vật liệu có thể tái chế, hay còn gọi là các các bãi phế liệu và phỏng vấn hàng chục người làm nghề đồng nát. Mục tiêu của dự án nghiên cứu nhằm hiểu được sự vận hành của mạng lưới những người thu gom rác phi chính thức, phân bổ của mạng lưới trong không gian, cách thức tổ chức và tính bền vững của mạng lưới trong bối cảnh chiếm dụng không gian công cộng, siêu đô thị hóa và sự gia tăng và đa dạng của lượng rác thải trong đô thị.
Do vậy, trước tiên, ý tưởng triển lãm thể hiện hình ảnh thành phố Hà Nội nổi bồng bềnh trên rác và bị bao phủ bởi một bầu trời đầy nilông. Bằng một mô hình 3D dựa trên bản đồ vị trí của hơn 800 cơ sở thu mua phế liệu nằm ở khu vực trung tâm và ngoại ô của thành phố Hà Nội, nhóm nghiên cứu gột tả sự hiện diện dày đặc của mạng lưới các bãi thu gom phế liệu trên toàn Hà Nội. Mô hình này được thực hiện trên nền bản đồ mật độ dân số của Hà Nội năm 2009, nơi có khu vực ngoại vi nông thôn rất đông dân cư. Các thanh gỗ trên mô hình đánh dấu vị trí của các bãi phế liệu trên toàn Hà Nội cho thấy rất nhiều bãi ở khu vực trung tâm, nơi có nhiều phế liệu. Ngoài ra, mô hình còn thể hiện vị trí tập trung các bãi thu mua phế liệu của những người đến từ Nam Định, từ Hà Nội và từ các địa phương khác, đánh dấu các loại hình kiến trúc của các bãi phế liệu. Màu xanh dương thể hiện các bãi phế liệu có người chủ đến từ Nam Định, màu trắng là các bãi do người dân quê gốc tại Hà Nội làm chủ và màu đỏ là những người dân từ các tỉnh thành khác (Hải Dương, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang…). Chiều cao các thanh gỗ thể hiện các giai đoạn hình thành cùa bãi phế liệu, các bãi lâu đời nhất hình thành trước năm 1990, các bãi mới nhất hình thành từ sau năm 2005. Triển lãm còn bao gồm tập hợp hình ảnh, tranh vẽ ký các hoạt động đồng nát, chân dung những người đồng nát, các panô tổng hợp thông tin khảo sát hiện trạng của nhóm nghiên cứu, ảnh 360o của các làng tái chế rác Triều Khúc, Tân Triều và Minh Khai, Hưng Yên do các sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội và nhiếp ảnh gia François Carlet-Soulage (Nội Pictures) thực hiện.
Mô hình 3D tái hiện các địa điểm thu mua đồng nát ở Hà Nội
Với góc nhìn và thể hiện của các Kiến trúc sư và Kiến trúc sư – nhà cảnh quan tương lai, triển lãm tiếp tục chia sẻ với người xem những góc nhìn mới lạ, tích cực và đầy màu sắc về hoạt động đồng nát ở Hà Nội với mong muốn hướng tới sự trân trọng những giá trị tiềm ẩn của lĩnh vực kinh tế phi chính thức này. Các thành viên của nhóm bao gồm các giảng viên, nhà nghiên cứu, các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau (kiến trúc, quy hoạch, kỹ sư môi trường, luật, địa lý, xã hội học) đến từ các trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học xây dựng Hà Nội, Đại học Tài nguyên Môi trường, Viện nghiên cứu Phát triển Cộng hòa Pháp IRD và cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam PRX.
Triển lãm mở cửa từ ngày 3/11/2018 đến 30/11/2018.
Ban biên tập
http://www.hoangthanhthanglong.vn/blog/khai-mac-trien-lam-nhung-khong-gian-dong-nat-nang-dong-o-ha-noi/6404?fbclid=IwAR2TT-SR-kYwHJz2egBoMJc8efLjpWXIT7OeugBmNkEHgHIr5GHFCoeSPy8
Post a Comment